TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU

Ngày tạo: 28/07/2024 17:23:55 | Lượt xem: 24

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có tỷ lệ tử vong cao (Theo WHO, tỷ lệ tử vong là 5 - 10%, có vùng tới 20%). Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch. Bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin. Ở Việt nam cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên từ đầu năm 2024 đến nay cả nước đã có 05 trường hợp mắc bệnh Bạch hầu; cụ thể: Hà Giang (03 ca); Bắc giang(01 ca); Nghệ An (01 ca đã tử vong.

Triệu chứng của bệnh: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Độc tố bạch hầu có thể gây các biến chứng :

- Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Thoái hóa thận, hoại tử ống thận

- Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.

Việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Hiện nay, vắc xin có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 01 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi.


Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu Trung tâm Y tế Lạc Dương khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa  trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống; thực hiện tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu theo đúng khuyến cáo của cơ quan y tế phòng chống dịch để đảm bảo an toàn, hiệu quả phòng bệnh; Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để nhận được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.

 

Tệp Đính Kèm: